Song song với sự bùng nổ của công nghệ thông tin nói chung và thương mại điện tử nói riêng, ngày nay xu hướng đa kênh đa nền tảng mới làm điểm thu hút doanh nghiệp quan tâm nhiều hơn, người tiêu dùng thông minh đang thay đổi cách thức tìm kiếm và mua sắm của họ từ những cách truyền thống sang những trải nghiệm mới tiện dụng hơn.
Tuy nhiên có thể thấy việc ứng dụng tốt các nền tảng di động vẫn chỉ dừng lại ở các doanh nghiệp lớn có quy mô, chiến lược và nguồn lực. Xét về tổng thể chung trong cả nước thì đa số doanh nghiệp (đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ) vẫn chưa thực sự sẵn sàng cho sự thay đổi này.
Khảo sát chung trong cả nước chỉ ra năm 2018 có khoảng 17% doanh nghiệp cho biết có website phiên bản di động, tỷ lệ này cũng không có sự chênh lệnh nhiều trong vòng 3 năm trở lại đây.
Tương tự với tỷ lệ doanh nghiệp có website phiên bản di động, tỷ lệ doanh nghiệp có ứng dụng bán hàng trên thiết bị di động năm 2018 cũng chỉ chiếm 14% và không có sự thay đổi nhiều so với các năm trước.
75% doanh nghiệp tham gia khảo sát có ứng dụng bán hàng trên nền tảng di động cho biết Android vẫn là nền tảng họ quan tâm đầu tư phát triển ứng dụng bán hàng nhiều nhất, tiếp sau đó là IOS (45%)
Trong số các doanh nghiệp tham gia khảo sát có website phiên bản di động hoặc ứng dụng di động, có 43% doanh nghiệp cho biết đã cho phép người mua thực hiện toàn bộ quy trình mua sắm trên thiết bị di động, 31% doanh nghiệp cho biết có triển khai chương trình khuyến mại dành riêng cho khách hàng sử dụng thiết bị di động để mua hàng hóa/dịch vụ và 45% doanh nghiệp cho biết có nhận đơn đặt hàng qua ứng dụng bán hàng trên thiết bị di động.
Nguồn: Trích báo cáo thường niên của Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam